Kết nối với chúng tôi
Tiết lộ chiêu trò đẩy giá thiết bị giáo dục làm thiệt hại hơn 60 tỷ đồng
Kết luận của Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ ra nhiều bất thường trong công tác quản lý đấu thầu, mua sắm thiết bị dạy học trên địa bàn tỉnh này trong giai đoạn 2017-2019. Quá trình thực hiện việc đấu thầu cung cấp thiết bị giáo dục, các đơn vị trúng thầu đã có sự tráo đổi phụ lục trong phần hồ sơ. Nghiêm trọng hơn, giá thiết bị mua sắm, thẩm định, phê duyệt kế hoạch mua sắm của nhiều thiết bị cao bất thường so với giá nhập khẩu.
Bản kết luận thanh tra tỉnh này cũng lật tẩy chiêu trò "thổi giá" của các doanh nghiệp trúng thầu.
Công ty cổ phần Thương mại Hồng Hà là đơn vị liên danh trúng thầu cung cấp thiết bị máy chiếu đa năng
Tại gói thầu TB 04.2018, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh mua 634 máy chiếu đa năng kèm thiết bị tương tác. Đơn vị trúng thầu là liên danh Công ty cổ phần Thương mại Hồng Hà và Công ty CP Đầu tư P&T. Mặt hàng này được Công ty CP Đầu tư P&T nhập khẩu với giá dao động từ hơn 8 triệu đồng đến hơn 9 triệu đồng/máy. Tuy nhiên, sau đó những sản phẩm này được bán cho Sở GD&ĐT Hà Tĩnh với mức giá từ hơn 30-35 triệu đồng/máy. Để "thổi giá" các sản phẩm này, đơn vị trúng thầu đã dở chiêu trò mua đi, bán lại qua nhiều đơn vị trung gian.
Cụ thể, lô hàng thứ nhất gồm 464 máy chiếu đa năng NEC NP-MC371 XG kèm thiết bị tương tác và phần mềm hỗ trợ giảng dạy NOVI Elearning, do Công ty CP Đầu tư P&T (liên danh trúng thầu) nhập khẩu là 9.174.000 đồng/máy. Sau đó, Công ty CP Đầu tư P&T bán lại cho đơn vị trung gian là Công ty CP DV & TM Lê Hoàng với giá 17.300.000 đồng/máy.
Tiếp đó, Công ty CP DV & TM Lê Hoàng bán lại cho Công ty cổ phần Thương mại Hồng Hà là 20.760.000 đồng/máy. Cuối cùng, liên danh Công ty cổ phần Thương mại Hồng Hà và Công ty CP Đầu tư P&T bán cho Sở GD&ĐT Hà Tĩnh là 35.000.000 đồng/máy. Với số lượng mua vào là 464 bộ thì mức chênh lệch giá của mặt hàng này là hơn 8 tỷ đồng.
Còn lô thứ 2 gồm 170 bộ máy chiếu đa năng kèm thiết bị tương tác NEC NP-MC371 XG được Công ty CP Đầu tư P&T nhập vào 8.800.000 đồng/máy. Sau đó đơn vị này lại bán lại cho các công ty trung gian. Và cuối cùng Công ty cổ phần Thương mại Hồng Hà và Công ty CP Đầu tư P&T bán lại cho Sở GD&ĐT Hà Tĩnh với giá 30.500.000 đồng/máy. Theo đó, mức chênh lệch giá của lô thiết bị này là hơn 2,4 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Công nghệ thông tin Lam Hồng thực hiện 6/17 gói thầu, tổng giá trị hợp đồng là hơn 99 tỷ đồng
Tương tự, tại gói thầu thiết bị giáo dục TB 03.2017, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh mua 729 máy chiếu đa năng tích hợp tính năng tương tác HPEC HC-3356XL. Liên danh Công ty Cổ phần công nghệ Lam Hồng, Công ty cổ phần H-PEC Việt Nam và Công ty Cổ phần ứng dụng Công nghệ & Dịch vụ viễn thông là đơn vị trúng thầu. Cũng chung chiêu trò mua đi, bán lại qua các đơn vị trung gian để "thổi giá" cao ngất ngưởng khi bán cho Sở GD&ĐT Hà Tĩnh.
Cụ thể, tại lô hàng thứ nhất gồm 451 máy chiếu đa năng tích hợp tính năng tương tác HPEC HC-3356XL, do Công ty cổ phần H-PEC Việt Nam (thuộc liên danh trúng thầu) nhập vào với giá là 6.820.000 đồng/máy. Sau đó, đơn vị này bán lại cho Công ty Tân Minh Hà Tĩnh với giá là 14.000.000 đồng/máy, rồi Công ty Tân Minh Hà Tĩnh bán lại cho Công ty Cổ phần công nghệ Lam Hồng là 22.000.000 đồng/máy. Cuối cùng liên danh Công ty Cổ phần công nghệ Lam Hồng & Công ty cổ phần H-PEC Việt Nam bán cho Sở GD&ĐT Hà Tĩnh lên đến 30.450.000 đồng/máy.
Kết luận của thanh tra tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ, với 729 máy chiếu đa năng nói trên, so sánh giá nhập khẩu và giá bán lại cho Sở GD&ĐT Hà Tĩnh thì số tiền chênh lệch lên đến gần 12 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Bảo Toàn cũng là một đơn vị liên danh trúng thầu cung cấp thiết bị giáo dục
Đặc biệt, tại gói thầu TB10.2019, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh mua 668 máy chiếu đa năng tích hợp bảng tương tác HPEC HC-388EXI. Cũng với chiêu thức mua đi bán lại, từ giá nhập khẩu hơn 7 triệu đồng/máy, liên danh trúng thầu là Công ty Cổ phần công nghệ Lam Hồng, Công ty cổ phần H-PEC Việt Nam và Công ty cổ phần Bảo Toàn đã bán lại cho Sở GD&ĐT với mức giá gần 35 triệu đồng/máy. So sánh giá nhập khẩu và giá bán lại cho Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, số tiền chênh lệch lên đến gần 14 tỷ đồng.
Được biết, trong giai đoạn 2017-2019, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh thực hiện 17 gói thầu mua sắm thiết bị dạy và học, tổng giá trị hợp đồng hơn 250 tỷ đồng. Trong đó, mua sắm tập trung 15 gói thầu, tổng giá trị hơn 240 tỷ đồng, Sở GD&ĐT tự mua sắm 2 gói thầu. So sánh giá nhập khẩu và giá bán lại cho Sở GD&ĐT Hà Tĩnh thì số tiền chênh lệch tại những gói mua sắm thiết bị giáo dục này lên đến hơn 60 tỷ đồng.
Ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao cho Thanh tra tỉnh này tham mưu để chuyển hồ sơ các gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ tài liệu, vi phạm quy định về đấu thầu, vi phạm quy định về thẩm định giá sang Công an tỉnh Hà Tĩnh để xác minh, điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Dân trí
Chia sẻ với chúng tôi