Bạn đang ở đây

Định giá tài sản trí tuệ bằng phương pháp chi phí tái tạo

Định giá tài sản trí tuệ là cơ sở cho hàng loạt các hoạt động kinh tế quan trọng như chuyển giao tài sản trí tuệ, mua bán, góp vốn, liên doanh… giúp doanh nghiệp xác định được tài sản thực của mình nhằm tạo cơ sở hoạch định chiến lược đầu tư, sản xuất, kinh doanh một cách có hiệu quả, cũng như quản lý các hoạt động tài chính như kiểm toán, kế toán, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chính sách thuế…

Thẩm Định giá tài sản trí tuệ

Định giá tài sản trí tuệ là cơ sở cho hàng loạt hoạt động kinh tế quan trọng của doanh nghiệp

Định giá tài sản được thực hiện bằng nhiều phương pháp và phương pháp tiếp cận theo chi phí tái tạo là một trong ba phương pháp cơ bản để đánh giá tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Vậy nội dung của phương pháp này như thế nào? Và có ưu nhược điểm gì khi định giá tài sản trí tuệ?

Nội dung phương pháp

Phương pháp tiếp cận theo chi phí dựa trên cơ sở nguyên lý thay thế, nghĩa là giá trị tài sản trí tuệ được ước tính căn cứ vào chi phí để tạo ra tài sản trí tuệ giống hệt hoặc chi phí tạo ra một tài sản trí tuệ thay thế, có cùng chức năng theo giá thị trường. Tóm lại  là phương pháp ước tính giá trị dựa trên căn cứ các tài liệu, số liệu phản ánh nguồn lực tài chính, nhân lực, vật lực đã đầu tư để tạo ra tài sản đó hoặc các tài sản tương đương.

Mục đích của việc sử dụng phương pháp này là để xác định và tổng hợp các chi phí quá khứ đã phát sinh trong quá trình tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ, tổng chi phí được coi như giá trị của tài sản trí tuệ đó; hoặc xác định và tổng hợp các chi phí cần thiết để tạo ra một tài sản trí tuệ có khả năng đem lại lợi nhuận trong tương lai giống như tài sản đang được định giá.

Có 3 phương pháp chi phí để định giá tài sản trí tuệ của doanh nghiệp

Có 3 phương pháp chi phí để định giá tài sản trí tuệ của doanh nghiệp

Các chi phí đó có thể là chi phí nghiên cứu, phát triển, chi phí cho việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, chi phí bảo hộ, quảng cáo… Các chi phí này sẽ là cơ sở để xác định giá trị của tài sản sở hữu trí tuệ. Các phương pháp chi phí bao gồm:  Phương pháp chi phí quá khứ, phương pháp chi phí tái tạo và phương pháp chi phí thay thế.  Trong bài sẽ đề cập đến việc định giá tài sản trí tuệ bằng phương pháp chi phí tái tạo.

Phương pháp chi phí tái tạo

Chi phí tại tạo là chi phí cần sử dụng để tạo ra một bản sao của tài sản tại thời điểm định giá. Phương pháp chi phí tái tạo được sử dụng nhằm xác định giá trị của một tài sản trí tuệ thông qua việc tính toán chi phí tạo ra một tài sản khác giống hệt như tài sản trí tuệ cần thẩm định giá theo giá thị trường hiện hành.

Công thức định giá tài sản bằng phương pháp chi phí tái tạo là: Giá trị của tài sản trí tuệ = Chi phí tái tạo – Phần giá trị giảm đi do hao mòn và lỗi thời.

Để có thể áp dụng phương pháp này vào định giá tài sản trí tuệ, cần phải có thông tin về chi phí cần thiết để tái tạo lại tài sản trí tuệ giống hệt như tài sản trí tuệ cần thẩm định và thông tin về hao mòn và lỗi thời của tài sản trí tuệ cần thẩm định, hoặc của các tài sản trí tuệ tương tự với tài sản trí tuệ cần thẩm định giá trên thị trường. Do đó, phương pháp định giá tài sản trí tuệ này thường được sử dụng trong những trường hợp sau:

Giá trị của tài sản trí tuệ = Chi phí tái tạo – Phần giá trị giảm đi do hao mòn và lỗi thời

Giá trị của tài sản trí tuệ = Chi phí tái tạo – Phần giá trị giảm đi do hao mòn và lỗi thời

– Sẵn có thông tin, số liệu chi tiết về chi phí tạo ra tài sản trí tuệ, đặc biệt là trong trường hợp xác định giá trị tài sản trí tuệ đối với chính người sở hữu tài sản đó.

– Khi tài sản trí tuệ tiếp tục được sử dụng bởi người chủ sở hữu (Dựa trên giả định nếu người chủ sở hữu mất đi tài sản trí tuệ này, họ phải tạo ra tài sản trí tuệ tương tự để thay thế để tiếp tục sử dụng).

– Xác định phần thiệt hại về các lợi ích từ tài sản trí tuệ do các hành vi sử dụng trái phép, phá vỡ hợp đồng,…

Bên cạnh đó, phương pháp chi phí tái tạo có thể được dùng làm phương pháp bổ sung cho các phương pháp thẩm định giá khác.

Giả sử tài sản trí tuệ cần định giá là sáng chế A, phương pháp chi phí quá khứ không được sử dụng hoặc không thể thực hiện do không có đầy đủ hóa đơn chứng từ liên quan, thì có thể áp dụng phương pháp chi phí tái tạo, nghĩa là sẽ tính chi phí của việc tạo ra một sáng chế A’ giống hệt như A, sau đó lấy chi phí đó trừ đi phần làm giảm giá trị của sáng chế A ban đầu. Thì con số đó chính là giá trị của sáng chế A.

Minh Thùy

______________________________________________________________________________________________________

Hi vọng bài viết sẽ giúp các bạn hiểu được phần nào về việc định giá tài sản trí tuệ, thương hiệu trên thị trường Việt Nam.

Mời các bạn đón đọc: Thẩm định giá trị thương hiệu doanh nghiệp

Công ty Cổ phần Định giá và Đầu tư Việt (vivgroup) là doanh nghiệp có kinh nghiệm trong việc thẩm định giá trị thương hiệu, tài sản trí tuệ tại Việt Nam. Chúng tôi cung cấp dịch vụ thẩm định giá tốt nhất, chi phí giá thành hợp lý nhất. VIV mang lại giá trị cốt lõi cho khách hàng