Bạn đang ở đây

Tin nổi bật

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Thông tư ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ tín dụng.
Trong quá trình phân tích thông tin, thẩm định viên có thể đưa ra những giả thiết đối với những thông tin thu thập còn hạn chế, chưa chắc chắn mà không thể khắc phục được.
Bộ Tài chính đề xuất tăng cường tiêu chuẩn, điều kiện của thẩm định viên về giá, gắn với đó là nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của thẩm định viên trong hoạt động thẩm định giá.

Kết nối với chúng tôi

Nan giải thẩm định tài sản đảm bảo

Hiện tượng nâng khống giá trị khi thẩm định giá tài sản bảo đảm vẫn xuất hiện khiến ngân hàng điêu đứng...

Nhìn lại các vụ án đã được đưa ra xét xử, hành vi nâng khống giá trị tài sản bảo đảm của cán bộ ngân hàng trong thời gian qua đã gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Những thiệt hại nặng nề

Vừa mới đây, ngày 2/11/2022, VKSND tối cao hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Đỗ Quốc Hùng và Lưu Thị Bích Thủy là Phó GĐ Trung tâm xử lý nợ và Phó GĐ chi nhánh một ngân hàng cùng 5 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Theo cáo trạng, trong thời gian từ 4/12/2007 đến 18/5/2010, Tổ thẩm định Dự án Việt Hòa – Kenmark gồm Đỗ Quốc Hùng, Lưu Thị Bích Thủy và nhiều người khác thực hiện thẩm định hồ sơ đề nghị vay vốn của Công ty Kenmark đã đánh giá không đúng mức về các yếu tố rủi ro, đề xuất cho công ty này vay vốn khi hồ sơ của Công ty Kenmark không đầy đủ tài liệu theo quy định của Luật Xây dựng; Dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hiệu quả, khả thi, không phù hợp với quy định của pháp luật; năng lực tài chính không đảm bảo khả năng trả nợ trong thời hạn cam kết,…

Tuy nhiên, Tổ thẩm định vẫn báo cáo kết quả thẩm định xác định Dự án đầu tư của Công ty Kenmark đáp ứng được các điều kiện cho vay theo quy định, phương án đầu tư có hiệu quả, khả thi, hồ sơ pháp lý đầy đủ, dẫn đến quyết cho vay 52,8 triệu USD và hơn 57,4 tỷ đồng trái quy định, không đúng yêu cầu về hình thức giải ngân 2 bước theo chỉ đạo của ngân hàng.

Do đó, khi công ty Kenmark dừng hoạt động, đại diện pháp luật xuất cảnh khỏi Việt Nam, các ngân hàng thu nợ và bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty Kenmark. Đối trừ số tiền cho vay, tính đến thời điểm khởi tố vụ án (27/9/2020), dư nợ không có khả năng thu hồi của Công ty Kenmark tại các ngân hàng là hơn 15,5 triệu USD, tương đương hơn 360 tỷ đồng. Đến nay, số tiền Công ty Kenmark còn dư nợ không thu hồi được tại 3 chi nhánh của ngân hàng là hơn 7,8 triệu USD, tương đương hơn 181 tỷ đồng.

Hay vụ án trước đó, ngày 15/8/2022, Đỗ Trung Thành, nguyên Giám đốc một ngân hàng thương mại Nhà nước chi phối vốn Chi nhánh 10 tại TP. Hồ Chí Minh bị Tòa án Nhân dân thành phố xét xử về tội “nhận hối lộ” theo Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, năm 2007, ông Nguyễn Hữu Cường (Giám đốc Công ty Hưng Lợi Bá và Công ty Hưng Bá) đến gặp bị cáo Thành đặt vấn đề vay vốn để chuyển nhượng quyền sử dụng 100.000m2 đất tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của Công ty TNHH Lâm Thái Vinh với giá 34,3 tỷ đồng. Giám đốc Chi nhánh ngân hàng nêu trên đồng ý cho vay hạn mức 75 tỷ đồng với điều kiện ông Cường phải chi trước phí huy động vốn là 4%, tương ứng 3 tỷ đồng.

Để nộp hồ sơ vay vốn, Cường làm giả hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Công ty Lâm Thái Vinh; giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; nâng khống giá trị tài sản bảo đảm từ 34,3 tỷ đồng thành 60 tỷ đồng. Khi các bộ phận trình hồ sơ ký duyệt, ông Thành không yêu cầu kiểm tra.

Cần cơ quan thẩm định độc lập

Bình luận về nội dung này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, hiện nay phần lớn các ngân hàng dùng chính cán bộ của mình thực hiện thẩm định tài sản đảm bảo. Trong khi đó, ở các nước phát triển, việc thẩm định tài sản đảm bảo ở một ngưỡng giá trị nào đó trở lên được yêu cầu phải có cơ quan thẩm định giá độc lập thực hiện.

“Sự tham gia của cơ quan thẩm định tài sản độc lập có thể ngăn được tình trạng nhân viên ngân hàng “bắt tay” với khách hàng nâng giá trị tài sản đảm bảo để duyệt khoản vay ở mức quá cao, dẫn đến rủi ro cho ngân hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho rằng, các sai phạm liên quan đến thẩm định giá khi cho vay tín dụng chủ yếu có nguyên nhân từ yếu tố con người. Có thể do năng lực chuyên môn của nhân viên thẩm định giá còn hạn chế.

"Nhưng rất nhiều trường hợp đã bị cám dỗ từ các khoản “lót tay” hậu hĩnh của khách hàng nhằm nâng cao giá trị tài sản thế chấp. Hoặc, lãnh đạo ngân hàng chấp nhận thổi phồng giá trị tài sản thế chấp để chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, còn quản lý rủi ro bằng các nghiệp vụ khác. Nói cách khác là ngó lơ đầu vào và chấp nhận rủi ro", luật sư Biên chia sẻ.

Vị luật sư này cũng cho rằng, để tài sản bảo đảm chắc chắn “đảm bảo”, cần có những chính sách nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm của phòng thẩm định giá tại các ngân hàng thương mại.

“Thực tế hành lang cơ sở về hoạt động thẩm định giá trong tài sản thế chấp đã cho thấy nhiều bất cập. Để siết chặt các quy định về thẩm định giá tài sản thế chấp, cần tách hoạt động này ra khỏi phạm vi nội bộ của ngân hàng là điều cần thiết. Vừa đảm bảo được tính minh bạch cho hoạt động thẩm định giá, vừa đảm bảo cho lĩnh vực thẩm định giá có điều kiện phát triển”, luật sư Biên nhấn mạnh.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp